Home » thoisu
Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018
Các nước Đông Nam Á hiện đại hóa lực lượng không quân
Hiện đại hóa
lực lượng không quân luôn là mối quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có các
nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, do trình độ khoa học công nghệ, ngân sách bảo đảm,…
của từng nước khác nhau, nên cách thức thực hiện cũng khác nhau. Song, tựu
trung các nước này đều kết hợp giữa cải tiến, nâng cấp máy bay thế hệ cũ với đẩy
mạnh mua sắm máy bay thế hệ mới, hiện đại.
Coi trọng cải tiến, nâng cấp máy bay
thế hệ cũ
Hiện nay,
các loại vũ khí, trang bị, nhất là máy bay mà lực lượng không quân các nước
Đông Nam Á đang sử dụng hầu hết là thế hệ cũ, lạc hậu, được nhập khẩu chủ yếu từ
các nước: Nga, Mỹ, Anh và Pháp. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu của tác chiến hiện đại,
chúng cần phải được cải tiến, nâng cấp và hiện đại hóa. Tuy nhiên, ngân sách quốc
phòng dành cho nghiên cứu và phát triển của các quốc gia Đông Nam Á hiện còn hạn
hẹp; nền tảng công nghiệp quốc phòng - nhân tố chủ chốt trong cải tiến, nâng cấp
cho lực lượng này còn nhiều hạn chế, bất cập, nên chưa đủ khả năng tự tiến hành
các gói nâng cấp mà phải dựa vào các tổ hợp công nghiệp quốc phòng nước ngoài.
Theo đó,
Xin-ga-po là quốc gia đi tiên phong trong sử dụng các gói nâng cấp của nước
ngoài cho lực lượng không quân của nước này. Hiện đã có 60 máy bay tiêm kích
F-16 Block-50/52+ của Xin-ga-po (tiếp nhận của Mỹ trong giai đoạn từ năm 1998 đến
2003) được nâng cấp với đường truyền dữ liệu mới, ra-đa mạng pha quét điện
tử chủ động (AESA) và vũ khí điều khiển chính xác bằng vệ tinh. Đây là
chương trình mà Xin-ga-po hợp tác với hãng Lóc-kít Mác-tin (Lockheed Martin)
thông qua một hợp đồng trị giá 914 triệu USD để nâng cấp toàn bộ số máy bay
F-16. Chương trình bắt đầu từ năm 2016 và sẽ hoàn thành vào năm 2022. Cũng theo
phương thức này, Thái Lan đã khởi xướng chương trình nâng cấp cho 61 máy bay
tiêm kích F-16A/B Block-15. Trong đó, gói nâng cấp ban đầu trị giá 700 triệu USD
cho 18 máy bay, bao gồm các hạng mục: lắp đặt ra-đa mới AESA, bổ sung hệ thống
gây nhiễu đối phó chủ động, tên lửa không đối không dẫn bằng hồng ngoại.
Ma-lai-xi-a cũng đang triển khai gói nâng cấp cho 08 chiếc máy bay F/A-18
Ho-nét (Hornet) được mua từ năm 1997 theo hợp đồng ký với hãng Bô-inh (Boeing).
Những hạng mục quan trọng nhất trong gói hợp đồng hiện đại hóa này là cải tiến
tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120, lắp đặt bom thông minh
JDAM và tích hợp hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS cho vũ khí điều khiển chính
xác.
Nhằm tiếp tục
khai thác hiệu quả số máy bay có trong biên chế, In-đô-nê-xi-a đã ký hợp đồng với
Bê-la-rút về sửa chữa, nâng cấp và tăng hạn sử dụng cho số máy bay mua của Nga
từ năm 2003. Theo đó, cùng với sửa chữa, cải tiến các máy bay phiên bản
Su-27SK, nước này tập trung nâng cấp các máy bay phiên bản Su-30MK, đảm bảo đạt
cấu hình tiêu chuẩn “Super 30” với việc bổ sung ra-đa điều khiển hỏa lực mới,
thông qua hệ thống mạng pha quét điện tử chủ động (AESA) băng tần X Zhuk-A, hệ
thống tác chiến điện tử KRET Khi-bi-ny, tên lửa không đối không dẫn bằng ra-đa
chủ động Át-tra (Astra).
Chủ động khai thác, chuyển giao công
nghệ, sản xuất máy bay thế hệ mới
Đây là vấn đề
khó và tương đối phức tạp, bởi sự phụ thuộc một cách tiên quyết vào trình độ
khoa học - công nghệ của quốc gia và điều kiện, khả năng bảo đảm các mặt. Đối
với Xin-ga-po, do có nguồn ngân sách quốc phòng khá dồi dào so với các quốc
gia trong khu vực (khoảng 14,9 tỷ USD năm 2018) đã cho phép các nhà khoa học
của nước này tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển và đạt được nhiều đột
phá về công nghệ trong lĩnh vực hàng không. Chính vì thế, Xin-ga-po có thể chủ
động trong khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, tăng hạn sử dụng nhiều loại máy bay
của các hãng, như: E-bớt (Airbus) và Bô-inh (Boeing), cũng như khả năng
khai thác, làm chủ và bảo đảm kỹ thuật cho các máy bay tiêm kích
hiện đại: F-15SG, F-16C/D của Không quân nước này. Bên cạnh đó, các cơ sở
công nghiệp quốc phòng của Xin-ga-po còn cung cấp các trang, thiết bị phục vụ
huấn luyện phi công, nhân viên kỹ thuật cho ngành hàng không dân dụng và quân
sự.
Đối với
In-đô-nê-xi-a, mặc dù ngân sách đầu tư cho quốc phòng khá khiêm tốn, nhưng đây
lại là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có thể sản xuất được máy bay để trang bị
cho quân đội và xuất khẩu. Nhờ thực hiện chủ trương liên kết với các nhà thầu
quốc phòng lớn của nước ngoài theo phương thức chuyển giao công nghệ,
Gia-các-ta đã có bước tiến vượt bậc trong hợp tác sản xuất các trang, thiết bị
quân sự quan trọng. Sản phẩm tiêu biểu cho kiểu liên kết này là máy bay vận tải
quân sự CN-235 hợp tác giữa công ty sản xuất máy bay CASA của Tây Ban Nha và
công ty hàng không vũ trụ PT (PT. Dirgantara) của In-đô-nê-xi-a. Đây là một loại
máy bay khá thành công cả trên lĩnh vực quân sự cũng như dân sự. Hiện tại, đã
có 03 chiếc đang phục vụ trong lực lượng Không quân nước này. Cùng với đó,
thông qua quá trình hợp tác sản xuất máy bay CN-235, In-đô-nê-xi-a có cơ hội tiếp
cận với công nghệ hàng không quân sự tiên tiến của châu Âu, vì CASA là một công
ty con của Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu (EADS). Điều đó tạo ra nền tảng vững
chắc cho việc nắm bắt các công nghệ quan trọng để tiến đến những nghiên cứu độc
lập xa hơn trong tương lai. Ngoài ra, nước này còn đang hợp tác cùng với Hàn Quốc
để phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5 trong chương trình KF-X/IF-X. Số lượng
sản xuất máy bay của dự án này lên đến 250 chiếc; trong đó, Không quân
In-đô-nê-xi-a sẽ nhận 50 chiếc, số còn lại sẽ thuộc quyền sở hữu của Không quân
Hàn Quốc. Theo các nhà thiết kế, dòng tiêm kích này sẽ có 03 biến thể tương ứng
với từng giai đoạn phát triển của nó. Phiên bản đầu tiên KF-X/IF-X Block 1 là cấu
hình vừa được thông qua năm 2018, sẽ có diện tích phản xạ ra-đa tương đương với
các tiêm kích thế hệ 4 và 4+ hiện nay, như: F/A-18E/F, Ra-phan (Rafale) hay
Ơ-rô-phai-tơ Thai-phun (Eurofighter Typhoon). Đến thế hệ KF-X/IF-X Block 2, máy
bay sẽ có khoang vũ khí trong thân và diện tích phản xạ ra-đa giảm xuống tương
đương tiêm kích tàng hình đời đầu F-117. Cuối cùng là phiên bản KF-X/IF-X Block
3, nó sẽ có diện tích phản xạ ra-đa, như: F-22, F-35 và B-2 - những máy bay
tàng hình tối tân nhất hiện nay trên thế giới.
Đẩy mạnh mua sắm máy bay tiêm kích thế
hệ mới
Theo thống
kê, trong thập kỷ qua, Đông Nam Á là một trong những khu vực có chi tiêu cho
mua sắm vũ khí, trang bị cao nhất toàn cầu, với mức tăng trung bình 10% hằng
năm kể từ năm 2009 đến nay. Trong đó, các quốc gia trong khu vực này đã và đang
mua các loại vũ khí, trang bị thế hệ mới nhất cho không quân, như: máy bay tiêm
kích đa năng thế hệ 4 và 4+, trực thăng vũ trang, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm
trên không, vũ khí không đối không và không đối đất có độ chính xác cao. Điển
hình là Không quân Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a,… đều đã trang bị cho lực lượng
không quân của mình những máy bay tiêm kích đa năng rất hiện đại.
Không quân
Xin-ga-po được đánh giá có trang bị hiện đại nhất với các máy bay mua từ Mỹ, gồm:
40 tiêm kích đa năng F-15SG, 60 tiêm kích F-16C/D và 20 trực thăng vũ trang
AH-64D Ơ-pa-chi Loong-bâu (Apache Longbow). Trong đó, máy bay tiêm kích đa năng
F-15SG của không quân Xin-ga-po nằm trong số những máy bay hiện đại nhất mà Mỹ
chỉ xuất khẩu cho 04 quốc gia khác là I-xra-en, Nhật Bản, A-rập Xê-út và Hàn
Quốc.
Không chỉ
mua sắm máy bay tiêm kích thế hệ mới, không quân các quốc gia Đông Nam Á cũng
đầu tư trang bị các hệ thống chỉ huy, điều khiển tích hợp (C4IRS); minh chứng
rõ ràng nhất là việc đẩy mạnh mua máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không
(AEW&C). Các loại máy bay này, trước đây là độc quyền của các siêu cường
quân sự, như: Mỹ và Nga. Điển hình như Thái Lan, trong chương trình mua sắm của
mình, đã đưa vào biên chế cho lực lượng không quân 12 máy bay tiêm kích thế hệ
mới JAS-39C/D Gri-pân (Gripen), bổ sung 02 chiếc máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm
trên không Sáp 340 Ơ-ri-ai (Saab 340 Erieye). Xin-ga-po cũng trang bị máy bay
E-2C Hóc Ai (Hawk Eyes) vừa thực hiện chức năng cảnh báo sớm, vừa thực hiện chức
năng chỉ huy và điều khiển trên không. Có thể nói, đây là một bước tiến
dài trong tư duy hiện đại hóa không quân của các quốc gia Đông Nam Á.
Xu hướng
tiếp tục đầu tư mua sắm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 cũng đang
được các nước trong khu vực quan tâm, nhất là sau khi Mỹ triển khai máy bay
tiêm kích thế hệ thứ 5 (F-22) không kích các mục tiêu tại Xy-ri năm 2018; Nga sử
dụng máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ 5 (Su-57) trong cuộc chiến tiêu diệt
tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Xy-ri năm 2017 và Trung Quốc phát
triển máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 (J-20). Những điều này đã khiến các quốc
gia Đông Nam Á càng quyết tâm hiện đại hóa lực lượng không quân, trang bị máy
bay tiêm kích đa năng thế hệ 5 có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế
trên không, tiêm kích đánh chặn, chế áp phòng không, không kích ngày/đêm
trên biển và trên đất liền bằng vũ khí có độ chính xác cao.
Tóm lại, xu
hướng hiện đại hóa không quân của các nước Đông Nam Á rất rõ ràng,
đặt trọng tâm là mua sắm những máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất.
Thực tế, các quốc gia chỉ lựa chọn 03 nhà cung cấp chính trong thời
gian qua là Mỹ với máy bay tiêm kích đa năng F-15SG, Nga với máy bay
tiêm kích thế hệ 4+ Su-30MK và Thụy Điển với máy bay tiêm kích
JAS-39C/D Gri-pân. Đồng thời, do điều kiện ngân sách còn hạn chế, nên
yêu cầu phải tiếp tục cải tiến, nâng cấp, kéo dài tuổi thọ phục vụ
của máy bay chiến đấu thế hệ cũ vẫn là yêu cầu bắt buộc.

Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét